Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 3 sào Bắc Bộ thuộc thôn Văn Bòng, xã Gia Phương. Đền hướng nam, kiến trúc giống như đền vua Đinh ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Phía trước đền có hồ bán nguyệt là nơi tụ thủy, sau đó đến hai cột đồng trụ, trên cột đồng trụ khắc đôi câu đối nói về quê hương vua Đinh: Địa phận chu Tổng dĩ Lai, Triệu tác nam bang tân đế trạch - Quốc trị Trần Lê nhi hậu, do truyền Đại Hữu cố thang hương.

Giữa sân đền có một sập đá gọi là long sàng, tượng trưng cho nơi vua ngự triều, phong cách điêu khắc thời Nguyễn, có lẽ là mô phỏng long sàng ở đền thờ vua Đinh, xã Trường Yên (Hoa Lư). Hai bên long sàng có hai cột đồng trụ nhỏ.

Đền có ba tòa, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh. Tiền đường 5 gian như một ngôi đình, vì kèo kiểu chồng rường được trang trí lá lật, hai bẩy giữa có chạm rồng. Đầu hồi có thông phong hành chữ thọ. Bờ nóc được trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Tiền đường là nơi hành lễ. Tòa trung đường 3 gian, kèo mê, 2 vì kèo ở hai đầu đốc được trang trí tứ linh long, ly, quy, phượng, các đầu bẩy trang trí hoa văn lá lật. Đây là nơi thờ công đồng.

Hậu cung 2 gian chính và 1 gian giữa, vì kèo theo kiểu thượng rường hạ kẻ, chính giữa hậu cung có long cung và tượng vua Đinh Tiên Hoàng, hai bên có 2 long ngai chầu vào. Bên trái thờ Nguyễn Bặc, bên phải thờ Đinh Điền. Tượng vua Đinh Tiên Hoàng là một pho tượng lớn được làm bằng gỗ mít, cao 2 mét, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào, đang ngồi như thiết triều, hai tay để lên đùi, dưới chân để một thanh kiếm. Pho tượng này có phong cách mập, khỏe, một đặc trưng của phong cách tượng thời Hậu Lê. Long ngai có rồng chầu uy nghi, long cung được trang trí hoa lá lật sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Ở hậu cung có đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp của vua Đinh: Tứ hải thành gia, Đại Hữu chí kim lưu thắng tích cửa châu vi thổ, Tràng An tự cổ điện danh đồ.

Đến thăm đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, du khách sẽ được thăm quê hương và nghe nhiều huyền thoại về thời thơ ấu của người anh hùng dân tộc thế kỷ X Đinh Bộ Lĩnh. Nơi đây còn lưu truyền câu Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh, nghĩa là làng Đại Hữu sinh ra vua Đinh, làng Điềm Giang sinh ra thánh Nguyễn Minh Không. Gò Bồ Đề tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh, có xóm Vân Bòng là dấu tích địa danh của Sách Bông xưa.

Từ đây Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các bạn cùng làng, chăn trâu cắt cỏ như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ nuôi chí lớn dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước.

Năm 1993, Đền Đinh tại xã Gia Phương được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Do đền xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2010 đã được đầu tư xây dựng với số tiền gần 30 tỷ đồng, cơ bản theo kiến trúc trước đây, vật liệu xây dựng gỗ và bê tông, ngói mới tạo sự vững chắc cho đền của Hoàng Đế./.

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập