Đinh Bộ Lĩnh và thế trận trận cờ lau

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thân (924), tại làng Đại Hoàng. Nay còn dấu vết nền nhà cũ nơi ông sinh là Gò Bồ Đề (còn dấu tích tại trạm xá cũ, thôn Văn Hà, xã Gia Phương), cha là Đinh Công Trứ, mẹ là bà Đàm Thị.

Lúc còn nhỏ Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cho chú là Đinh Dự. Đinh Bộ Lĩnh được bọn trẻ chăn trâu cùng lứa tôn làm đầu mục (trẻ đứng đầu). Lĩnh thường bầy cho bọn trẻ bẻ hoa lau làm cờ, chia quân đánh trận giả. Trận giả nhưng diễn ra như thật (nhờ lão bộc trước đây dạy cho), thể hiện chí khí, sự tài giỏi của Đinh Bộ Lĩnh.

Sau mỗi trận tập, bọn trẻ khoanh tay làm kiệu rước Đinh Bộ Lĩnh như nghi vệ Thiên Tử. Trong lũ trẻ có mấy người cùng quê, cùng lứa tuổi, kết nghĩa anh em. Đó là: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, tôn Bộ Lĩnh làm anh cả.

Sau này họ là nòng cốt của sứ quân Hoa Lư, là “Tứ trụ triều đình” khi Bộ Lĩnh lên ngôi vua.

Sau khi Ngô Vương Quyền mất, triều Ngô lục đục, bất lực. Một số quan, tướng nổi dậy cát cứ xưng hùng xưng bá, đất nước loạn lạc. Sử cũ gọi loạn 12 sứ quân

Các sứ quân: Kiều Công Hãn (Phong Châu, Phú Thọ); Nguyễn Khoan (Yên Lạc, Vĩnh Phúc); Ngô Nhật Khánh (Phú Thọ, Sơn Tây); Đỗ Cảnh Thạc (Thanh Oai, Hà Tây); Ngô Xương Xí (Thiệu Sơn, Thanh Hóa); Lý Khuê (Thuận Thành, Bắc Ninh); Nguyễn Thủ Tiệp (Tiên Sơn, Bắc Ninh); Lã Đường (Văn Giang, Hưng Yên); Nguyễn Siêu (Thanh Trì, Hà Nội); Kiều Thuận (Cẩm Khê, Phú Thọ); Phạm Bạch Hổ (Kim Động, Hưng Yên); Trần Lãm (Thái Bình)

Lúc đó, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh tương đối mạnh. Do khí phách và tài thao lược, nhân dân trong vùng theo về rất đông. Đinh Bộ Lĩnh nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình. Biết lực lượng mình còn nhỏ, Bộ Lĩnh đem lực lượng xin liên kết với sứ quân Trần Lãm (còn gọi là Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu - Thái Bình ngày nay).

Trần Lãm vốn là bạn đồng liêu, có nhiều ân nghĩa với cha Đinh Bộ Lĩnh, vui mừng thu nhận, tin yêu lại gả con gái cho. Nhờ đó sứ quân Trần Lãm - Đinh Bộ Lĩnh ngày càng hùng mạnh.

Khi tuổi cao sức yếu, Trần Lãm trao toàn bộ quyền bính cho Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bố Hải Khẩu không thuận lợi làm căn cứ dựng binh mở nghiệp lớn, Bộ Lĩnh đưa toàn bộ tướng sỹ về xây dựng căn cứ ở Động Hoa Lư[1]. Tại đây, dựa vào thế núi sông hiểm trở, Đinh Bộ Lĩnh tăng cường xây thành đắp luỹ, chiêu mộ hào kiệt, quân sỹ, nổi tiếng hùng mạnh một phương.

Thấy lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập đem quân đến Hoa Lư (Động Thung Lau, xã Gia Hưng ngày nay) định tiêu diệt Đinh Bộ Lĩnh nhưng bị đại bại phải rút quân về. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh khi dụ hàng, khi tấn công tiêu diệt các sứ quân khác. Tiếng tăm Đinh Bộ Lĩnh càng lẫy lừng, chỉ trong một năm, đánh dẹp yên các sứ quân, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.

Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn) đóng đô ở Hoa Lư[1], xây dựng cung điện, đặt triều nghi.

Năm 970, ông đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc tiền đồng Thái Bình, lập năm Hoàng hậu, năm 971, vua Đinh định thứ bậc, phẩm trật cho các quan văn võ và tăng đạo.

Năm 972, ông sai Nam Việt Vương Đinh Liễn sang triều cống nhà Tống. Nhà Tống phong Đại Thắng Minh Hoàng Đế là Giao Chỉ Quận vương, Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Đến tháng 2/974, quân đội của vua Đinh có 10 đạo, Vua quy định áo mũ cho các quan văn võ, đặt các hình phạt để xử những kẻ có tội.

Năm 977, vua lập Hạng Lang làm Hoàng Thái Tử, Đinh Toàn làm Vệ Vương.

Đêm Trung thu năm Kỷ Mão (tức 9/9/979), ông và con trưởng Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên hầu cận Đỗ Thích sát hại.

Đại Thắng Minh Hoàng Đế mất, được triều thần tôn là Tiên Hoàng Đế, linh cữu táng ở Sơn Lăng (núi Mã Yên), Trường Yên, Hoa Lư.

Vua Đinh ở ngôi 12 năm (968-979), thọ 56 tuổi. Đền thờ ông được dựng ở chân núi Mã Yên (Trường Yên, Hoa Lư) ngay trên nền cung điện cũ.

Đánh giá về Đinh Tiên Hoàng sử cũ viết “Vua tài năng, thông minh hơn người, dũng lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế. Song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời. Đáng tiếc thay ”.

“... Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà mười hai sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, dựng sáu quận, chế độ gần đủ. Chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh Triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng ”.

Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc, mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Bức Đại Tự “Chính thống thủy” trong đền vua Đinh ở Trường Y ên khẳng định, minh chứng cho chân lý đó. “Bậc Đế vương chính thống của nước Việt ta khởi đầu từ đây. Các bậc vua Thánh Đế thần kế tiếp nhau chấn tác sau này cũng đều to rộng theo bài học của triều Đinh ”. Đó là “Ý trời sinh ra cho nước Việt ta bậc Thánh nhân sáng suốt để nối tiếp quốc thống”.

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập