Hội nghị nghiên cứu, học tập nội dung các Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 12/6, Ban
Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập nội dung các tác phẩm
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang
của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh,
văn hiến và anh hùng"; "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại
giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt
Nam"".
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực
tiếp tại hội trường Tỉnh ủy kết nối trực tuyến tới các điểm cầu ở các huyện,
thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn
tỉnh với gần 30.000 đảng viên tham gia.
Tại điểm cầu xã
Gia Thịnh, đồng chí Trần Văn Sở, Bí thư Đảng ủy xã dự và chủ trì hội nghị; dự hội
nghị có đồng chí Nguyễn Đức Nhàn, Phó Bí thư Đảng ủy, đồng chí Trần Duy Nhất, Phó
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã; các đồng chí UVBTV Đảng uỷ, UVBCH Đảng bộ xã,
các đồng chí đảng viên trong toàn Đảng bộ xã.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe GS.TS
Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực
Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt nội dung cốt lõi bài viết "Tự hào
và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam
ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Bài viết ra đời trong bối cảnh quan trọng nhân kỷ niệm 94 năm
Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi
mới của đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của
nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ
2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
được chia thành 3 phần: Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân
tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả
chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước
ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước
và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất
nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh,
văn minh, văn hiến và anh hùng.
Quang cảnh Hội nghị
Cũng tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú đã
truyền đạt nội dung tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại
giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt
Nam"". Trong đó nêu bật những nội dung cốt lõi của tác phẩm như: Vai
trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc; đối ngoại Việt Nam vì độc lập tự chủ, hòa bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; dấu ấn đối ngoại, ngoại giao.
Với các nội dung được đề cập trong tác
phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định bước phát triển về tư duy lý
luận của Đảng về đối ngoại trong công cuộc đổi mới đất nước dựa trên sự kế
thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phù hợp
với quy luật phát triển, các xu thế lớn trong sự vận động của quan hệ quốc tế.
Đặc biệt, tập trung làm sáng tỏ "bản sắc đối ngoại "cây tre Việt
Nam": gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt
cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Khẳng định đối ngoại là sự nghiệp của
toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính tri, dưới sự lãnh đạo trực tiếp,
toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước. Khẳng định vị thế của Việt
Nam trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các đối tác trong tất cả
các lĩnh vực, cũng như sự đóng góp của Việt Nam trong xây dựng, định hình các
thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế, vì lợi ích quốc gia,
dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản
của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế… Đây là những tư tưởng, quan
điểm được Tổng Bí thư rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ
sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta
về đối ngoại và hội nhập quốc tế./.