MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ, VĂN HÓA XÃ GIA THỊNH

Một số đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa

Gia Thịnh trước đây là một xã thuộc vùng đồng bằng chiêm trũng của huyện Gia Viễn. Đơn vị hành chính xã Gia Thịnh thay đổi nhiều lần qua các thời kỳ nhưng chủ yếu là đất đai, dân cư các thôn Liên Huy, Trinh Phú, Đồng Chưa, Kênh Gà. Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm khí hậu vùng phía Nam đồng bằng bắc Bộ, chịu tác động một phần khí hậu Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ. Mùa đông chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, hanh khô. Mùa hè nắng nóng, chịu tác động gió phơn tây nam (Nhân dân thường gọi gió Lào), thường có mưa, bão xảy ra; lượng mưa hàng năm lớn. Nằm ở vùng hạ lưu sông Bôi, sông Lạng, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm thường chịu lũ lụt lớn. Đặc biệt thôn Kênh Gà nằm ngoài đê, nơi giao nhau các dòng sông, hầu như năm nào cũng chịu cảnh ngập lụt. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, những tháng mùa mưa, lụt lội, ngập úng, ruộng đất cấy trồng một vụ nên nhiều năm nhân dân thiếu đói. Việc đi lại trong mùa mưa lũ phải dùng thuyền. Người dân trong xã còn truyền lại câu ca “sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” (ý nói chèo thuyền), “sống ngâm da, chết ngâm xương”.

Gia Thịnh ở phía Tây Nam huyện Gia Viễn. Phía Bắc giáp xã Gia Phú và thị trấn Me, phía Đông giáp xã Gia Vượng, phía Nam giáp xã Gia Lạc và xã Gia Minh, phía Tây giáp xã Đức Long (huyện Nho Quan) và xã Gia Phú. Theo các truyền thuyết và văn bia còn lại, các làng xã thuộc Gia Thịnh là vùng đất cổ, sớm có con người sinh sống. Từ thế kỷ X các xóm, thôn (thuộc Gia Thịnh ngày nay) đã hình thành. Trước tháng 8/1945, đê điều không có, ruộng đất thường xuyên bị lũ lụt xói mòn, ngập lụt. Ngoài làm ruộng, nhân dân Gia Thịnh làm thêm nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản phục vụ đời sống, chế biến các đặc sản nổi tiếng cua, ốc, mắm tép.

Dưới thời nửa thuộc địa phong kiến, vùng đất Gia Thịnh ngày nay thuộc huyện Gia Viễn. Đời vua Tự Đức, huyện Gia Viễn có 12 tổng, 91 xã, thôn, phường, trang, trại; trong đó có tổng Liên Đăng, phường Chân Mỹ, xã Bồ Đình, xã Ngô Đồng, Xã Đoan Bình, Ngô Đồng nay thuộc xã Gia Phú, phường Chân Mỹ, xã Bồ Đình nay thuộc xã Gia Vượng, các phường còn lại thuộc xã Gia Thịnh (ngày nay). Trong đó có phường Liên Huy là nơi có chợ, dân cư đông đúc, nơi trao đổi mua bán hàng hóa.

Năm 1937, tổng Liên Đăng đổi tên thành tổng Liên Huy, có 7 xã, thôn: xã Ngô Đồng, xã Đoan Bình, xã Bồ Đình, xã Tế Mỹ, xã Trinh Phú, xã Liên Huy, thôn Quang Huy (còn gọi Huy Nghiệp nay là thôn Kênh Gà).

Cuối năm 1945, thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân cách mạng (lâm thời) tỉnh Ninh Bình, các xã Trinh Phú, Liên Huy, Quang Huy hợp nhất thành xã Liên Huy.

Tháng 7/1949, hợp nhất 3 xã Liên Huy, Phượng Hoàng, Duy Tân thành lập xã Gia Thịnh. Xã Gia Thịnh có 8 thôn: Tế Mỹ, Bồ Đình, Đồng Chưa, Kênh Gà, Liên Huy, Trinh Phú, Đoan Bình, Ngô Đồng.

Thực hiện quyết định số 450/QĐ-TC ngày 05/12/1953 của Chính phủ về chia tách các xã có quy mô lớn thành các xã có quy mô nhỏ, xã Gia Thịnh chia tách thành 3 xã: xã Gia Thịnh, xã Gia Phú, xã Gia Vượng. Xã Gia Thịnh có 4 thôn: Đồng Chưa, Kênh Gà, Liên Huy, Trinh Phú. Xã Gia Phú có 2 thôn Ngô Đồng, Đoan Bình (thôn Kính Chúc trước thuộc xã Gia Hưng, đến năm 1954 thuộc xã Gia Phú). Xã Gia Vượng có 2 thôn Bồ Đình, Tế Mỹ.

Năm 1965, xã Gia Thịnh có các thôn Liên Huy, Trinh Phú, Đồng Chưa, Kênh Gà, dân số 4500 người, 905 hộ.

Năm 2004, xã Gia Thịnh có diên tích là 560,3ha, dân số 7491 người, 1699 hộ, mật độ dân số 1337 người/km2, gồm 17 xóm: xóm 1 Liên Huy, xóm 2 Liên Huy, xóm 3 Liên Huy, xóm 4 Liên Huy, xóm 5 Liên Huy, xóm 6 Liên Huy, xóm 7 Liên Huy, xóm 8 Liên Huy, xóm 9 Liên Huy (xóm Thủ Công), xóm 1 Trinh Phú, xóm 2 Trinh Phú, xóm 1 Đồng Chưa, xóm 2 Đồng Chưa, xóm 3 Đồng Chưa, xóm 1 Kênh Gà, xóm 2 Kênh Gà, xóm 3 Kênh Gà (théo Quyết định số 2674, ngày 01/11/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình).

Thực hiện Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 06/11/2008 của Chính Phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 518/QĐ-CT ngày 15/12/2010, về điều chỉnh, sắp xếp, thành lập các thôn, tổ dân phố và đổi tên các xóm thành thôn, tổ dân phố trên địa bàn một số xã thuộc huyện Gia Viễn. Theo quyết định giữ nguyên hiện trạng 14 xóm cũ (9 xóm thôn Liên Huy, 3 xóm thôn Kênh Gà và 2 xóm thôn Trinh Phú); một phần diện tích tự nhiên và một phần dân số thôn Liên Huy, thôn Trinh Phú, thôn Đồng Chưa thuộc xã Gia Thịnh sáp nhập vào thị trấn Me; điều chỉnh, sắp xếp diện tích tự nhiên, dân số xóm 1 Đồng Chưa, xóm 2 Đồng Chưa, xóm 3 Đồng Chưa (trên cơ sở 21,4 hadieenj tích tự nhiên đất tự nhiên, dân số là 418 nhân khẩu với 95 hộ được tách ra từ 3 xóm trên) và thành lập xóm 4 Đồng Chưa.

Sau khi thực hiện việc điều chỉnh, sắp xếp và thành lập mới xóm 4 Đồng Chưa, xã Gia Thịnh có diện tích tự nhiên là 538,37ha; dân số là 7.648 người, 1.967 hộ; gồm 18 xóm.

Năm 2017, xã Gia Thịnh có diện tích là 538,37 ha, dân số 8403 người, 1441 hộ, mật độ dân số 1433 người/km2, gồm 18 xóm (số liệu niên giám thống kê Gia Viễn).

Nằm giữa sông Bôi, sông Lạng, sông Rịa và sông Hoàng Long do tác động lũ lụt, địa hình Gia Thịnh tương đối trũng, đất đai bạc màu. Diên tích tự nhiên 568,4ha, năm 2008, điều chỉnh chuyển 30ha nhập vào thị trấn Me, diện tích của xã còn 538,4ha. Trong đó, có 330 ha đất nông nghiệp, 24ha đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá, còn lại là đất ở. Trên địa bàn xã có 2 dãy núi đá vôi và suối nước nóng Kênh Gà có giá trị về kinh tế và y học.

                                                  Theo Lịch sử Đảng bộ xã Gia Thịnh (1947 -2017)

 

 

 

 

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập