MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ, VĂN HÓA

    Gia Thịnh trước đây là một xã thuộc vùng đồng bằng chiêm trũng của huyện Gia Viễn. Đơn vị hành chính xã Gia Thịnh thay đổi nhiều lần qua các thời kỳ nhưng chủ yếu là đất đai, dân cư các thôn Liên Huy, Trinh Phú, Đồng Chưa, Kênh Gà. Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm khí hậu vùng phía Nam đồng bằng bắc Bộ, chịu tác động một phần khí hậu Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ. Mùa đông chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, hanh khô. Mùa hè nắng nóng, chịu tác động gió phơn Tây Nam (Nhân dân thường gọi gió Lào), thường có mưa, bão xảy ra; lượng mưa hàng năm lớn. Nằm ở vùng hạ lưu sông Bôi, sông Lạng, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm thường chịu lũ lụt lớn. Đặc biệt thôn Kênh Gà nằm ngoài đê, nơi giao nhau các dòng sông, hầu như năm nào cũng chịu cảnh ngập lụt. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, những tháng mùa mưa, lụt lội, ngập úng, ruộng đất cấy trồng một vụ nên nhiều năm nhân dân thiếu đói. Việc đi lại trong mùa mưa lũ phải dùng thuyền. Người dân trong xã còn truyền lại câu ca “sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay” (ý nói chèo thuyền), “sống ngâm da, chết ngâm xương”.

    Gia Thịnh ở phía Tây Nam huyện Gia Viễn. Phía Bắc giáp xã Gia Phú và thị trấn Me, phía Đông giáp xã Gia Vượng, phía Nam giáp xã Gia Lạc và xã Gia Minh, phía Tây giáp xã Đức Long (huyện Nho Quan) và xã Gia Phú. Theo các truyền thuyết và văn bia còn lại, các làng xã thuộc Gia Thịnh là vùng đất cổ, sớm có con người sinh sống. Từ thế kỷ X các xóm, thôn (thuộc Gia Thịnh ngày nay) đã hình thành. Trước tháng 8/1945, đê điều không có, ruộng đất thường xuyên bị lũ lụt xói mòn, ngập lụt. Ngoài làm ruộng, nhân dân Gia Thịnh làm thêm nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản phục vụ đời sống, chế biến các đặc sản nổi tiếng cua, ốc, mắm tép.

    Dưới thời nửa thuộc địa phong kiến, vùng đất Gia Thịnh ngày nay thuộc huyện Gia Viễn. Đời vua Tự Đức, huyện Gia Viễn có 12 tổng, 91 xã, thôn, phường, trang, trại; trong đó có tổng Liên Đăng, phường Chân Mỹ, xã Bồ Đình, xã Ngô Đồng, Xã Đoan Bình, Ngô Đồng nay thuộc xã Gia Phú, phường Chân Mỹ, xã Bồ Đình nay thuộc xã Gia Vượng, các phường còn lại thuộc xã Gia Thịnh (ngày nay). Trong đó có phường Liên Huy là nơi có chợ, dân cư đông đúc, nơi trao đổi mua bán hàng hóa.

    Năm 1937, tổng Liên Đăng đổi tên thành tổng Liên Huy, có 7 xã, thôn: xã Ngô Đồng, xã Đoan Bình, xã Bồ Đình, xã Tế Mỹ, xã Trinh Phú, xã Liên Huy, thôn Quang Huy (còn gọi Huy Nghiệp nay là thôn Kênh Gà).

    Cuối năm 1945, thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân cách mạng (lâm thời) tỉnh Ninh Bình, các xã Trinh Phú, Liên Huy, Quang Huy hợp nhất thành xã Liên Huy.

    Tháng 7/1949, hợp nhất 3 xã Liên Huy, Phượng Hoàng, Duy Tân thành lập xã Gia Thịnh. Xã Gia Thịnh có 8 thôn: Tế Mỹ, Bồ Đình, Đồng Chưa, Kênh Gà, Liên Huy, Trinh Phú, Đoan Bình, Ngô Đồng.

    Thực hiện quyết định số 450/QĐ-TC ngày 05/12/1953 của Chính phủ về chia tách các xã có quy mô lớn thành các xã có quy mô nhỏ, xã Gia Thịnh chia tách thành 3 xã: xã Gia Thịnh, xã Gia Phú, xã Gia Vượng. Xã Gia Thịnh có 4 thôn: Đồng Chưa, Kênh Gà, Liên Huy, Trinh Phú. Xã Gia Phú có 2 thôn Ngô Đồng, Đoan Bình (thôn Kính Chúc trước thuộc xã Gia Hưng, đến năm 1954 thuộc xã Gia Phú). Xã Gia Vượng có 2 thôn Bồ Đình, Tế Mỹ.

    Năm 1965, xã Gia Thịnh có các thôn Liên Huy, Trinh Phú, Đồng Chưa, Kênh Gà, dân số 4500 người, 905 hộ.

    Năm 2004, xã Gia Thịnh có diên tích là 560,3ha, dân số 7491 người, 1699 hộ, mật độ dân số 1337 người/km2, gồm 17 xóm: xóm 1 Liên Huy, xóm 2 Liên Huy, xóm 3 Liên Huy, xóm 4 Liên Huy, xóm 5 Liên Huy, xóm 6 Liên Huy, xóm 7 Liên Huy, xóm 8 Liên Huy, xóm 9 Liên Huy (xóm Thủ Công), xóm 1 Trinh Phú, xóm 2 Trinh Phú, xóm 1 Đồng Chưa, xóm 2 Đồng Chưa, xóm 3 Đồng Chưa, xóm 1 Kênh Gà, xóm 2 Kênh Gà, xóm 3 Kênh Gà (théo Quyết định số 2674, ngày 01/11/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình).

    Thực hiện Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 06/11/2008 của Chính Phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 518/QĐ-CT ngày 15/12/2010, về điều chỉnh, sắp xếp, thành lập các thôn, tổ dân phố và đổi tên các xóm thành thôn, tổ dân phố trên địa bàn một số xã thuộc huyện Gia Viễn. Theo quyết định giữ nguyên hiện trạng 14 xóm cũ (9 xóm thôn Liên Huy, 3 xóm thôn Kênh Gà và 2 xóm thôn Trinh Phú); một phần diện tích tự nhiên và một phần dân số thôn Liên Huy, thôn Trinh Phú, thôn Đồng Chưa thuộc xã Gia Thịnh sáp nhập vào thị trấn Me; điều chỉnh, sắp xếp diện tích tự nhiên, dân số xóm 1 Đồng Chưa, xóm 2 Đồng Chưa, xóm 3 Đồng Chưa (trên cơ sở 21,4 ha diện tích tự nhiên đất tự nhiên, dân số là 418 nhân khẩu với 95 hộ được tách ra từ 3 xóm trên) và thành lập xóm 4 Đồng Chưa.

    Sau khi thực hiện việc điều chỉnh, sắp xếp và thành lập mới xóm 4 Đồng Chưa, xã Gia Thịnh có diện tích tự nhiên là 538,37ha; dân số là 7.648 người, 1.967 hộ; gồm 18 xóm.

Năm 2017, xã Gia Thịnh có diện tích là 538,37 ha, dân số 8403 người, 1441 hộ, mật độ dân số 1433 người/km2, gồm 18 xóm (số liệu niên giám thống kê Gia Viễn).

    Nằm giữa sông Bôi, sông Lạng, sông Rịa và sông Hoàng Long do tác động lũ lụt, địa hình Gia Thịnh tương đối trũng, đất đai bạc màu. Diện tích tự nhiên 568,4ha, năm 2008, điều chỉnh chuyển 30ha nhập vào thị trấn Me, diện tích của xã còn 538,4ha. Trong đó, có 330 ha đất nông nghiệp, 24ha đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá, còn lại là đất ở. Trên địa bàn xã có 2 dãy núi đá vôi và suối nước nóng Kênh Gà có giá trị về kinh tế và y học.

    Phía Tây xã Gia Thịnh có đoạn cuối của sông Bôi, sông Lạng. Trước năm 1962, ngoài đoạn sông Hoàng Long chảy từ ngã 3 sông Lạng – sông Bôi, còn một nhánh sông Bôi chảy vào xã Gia Thịnh chỗ giáp danh Gia Phú, Gia Thịnh vòng lên phía Bắc thôn Liên Huy, qua gần chùa Liên Huy sang Đồng Chưa gặp sông Hoàng Long, đoạn sông này bị đắp chặn 2 đầu, nhân dân quen gọi sông cụt.

    Phía Bắc xã có đường (tỉnh lộ) DT477 chạy từ Đông sang Tây, đoạn qua Gia Thịnh dài 2km, phía Đông xã có đường 477C chạy từ Bắc xuống Nam, đoạn qua Gia Thịnh dài 2km. Ruộng ngoài đê, mỗi năm cấy một vụ lúa hoặc một vụ lúa kết hợp gieo mạ, trồng màu. Ruộng đất đã ít lại chia ra nhiều vùng cao thấp khác nhau nằm rải rác trên nhiều cánh đồng thuộc các xã lân cận như Đồng Cói xã Gia Lạc, Đồng Rồi xã Đức Long nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

    Diện tích sông ngòi, ao hồ chiếm 11% tổng số đất đai trong xã (38,3ha) tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế chăn nuôi, thủy sản. Đất canh tác có trên 368ha, chủ yếu là diện tích cấy lúa. Trong thời kỳ phong kiến, nhà nước không chăm lo đắp đê, làm thủy lợi, là xã thuộc vùng chiêm trũng của huyện, khi mùa mưa đến (tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm), làng xóm thường bị ngập sâu. Đồng ruộng chỉ một số ít diện tích vụ chiêm, nhiều năm lũ tiểu mãn đến sớm làm mất hàng trăm mẫu lúa. Có năm lúa đã chín, nước lũ dâng cao, không thu hoạch kịp, người dân đành đứng nhìn dòng nước nhấn chìm lúa và hoa màu. Tuy đất đai là vùng trồng lúa nhưng đời sống nhân dân vô cùng nghèo khổ vì nhà nước thống trị thực dân phong kiến bóc lột sưu, thuế, tô, tức nặng nề. Thôn Huy Nghiệp (Kênh Gà), có gần 100 mẫu ruộng cấy thường bị mất mùa.

    Người dân trong xã một bộ phận không teo tôn giáo. Một số người ở Liên Huy, Trinh Phú theo Đạo Phật. 49,9% số dân trong xã thuộc thôn Đồng Chưa và thôn Kênh Gà theo Đạo Thiên chúa giáo. Về nơi thờ tự, Đạo Thiên chúa giáo có một nhà thờ chính xứ (Đồng Chưa) và một nhà thờ họ lẻ (Kênh Gà). Đạo Phật có chùa Liên Huy. Trong xã có 2 ngôi đình (Liên Huy, Trinh Phú) và đền Trinh Phú thờ thành hoàng làng, thờ thần và là nơi tổ chức tế lễ, hội họp của dân làng.

    Nhân dân Gia Thịnh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và đánh bắt cá, cua, tôm, tép. Ngoài ra, một bộ phận lao động làm các nghề thủ công như: mộc, nề, mành riu, mành cửa, làm thuyền. Nhân dân thôn Kênh Gà chủ yếu làm nghề chài lưới và vận tải thủy. Trước đây, cuộc sống người dân vất vả, chủ yếu trên thuyền, lênh đênh trên các dòng sông. Sau này một số hộ chuyển sang làm nghề vận tải đường sông và nuôi cá lồng. Một số hộ dân trong xã làm nghề mành trúc, mành chỉ, dệt thảm sản xuất, đóng thuyền xi măng lưới thép (Kênh gà, Đồng Chưa). Đến nay xã Gia Thịnh có trên 2000 người trình độ tay nghề giỏi, nhất là thôn Đồng Chưa có 30% người lao động có trình độ kỹ thuật khá về thợ mộc, thợ xây, đó cũng chính là cơ sở để nhân dân Gia Thịnh mở rộng các ngành nghề phụ, phát triển kinh tế. Trước tháng 8/1945, Gia Thịnh là một xã nghèo đói, nằm trong vùng chiêm trũng của huyện Gia Viễn, đất đai có ít lại bị bọn địa chủ phong kiến chiếm đoạt gần hết, cánh đồng Lai (Liên Huy) có khoảng 220 mẫu bị địa chủ trong xã và các xã lân cận chiếm hữu; còn số ít ruộng xấu sườn Mả gạch, sườn Mưỡu (thôn Trinh Phú) do một số hộ trung nông, hộ nghèo của 2 thôn Trinh Phú, Liên Huy cày cấy. Cánh đồng bờ muống, địa chủ trong và ngoài xã chiếm đoạt gần hết. Địa chủ Thu., Ch. Tr.., (Liên Huy), địa chủ Ph., H… (Đồng Chưa), địa chủ và nhà xứ Đồng Chưa… mỗi người chiếm đoạt từ 40 đến 50 mẫu; có địa chủ chiếm hơn 100 mẫu.

    Từ khi thực dân Pháp chiếm nước ta, giai cấp địa chủ phong kiến trở thành tay sai đế quốc, chúng cấu kết với nhau để thống trị và bóc lột nhân dân. Tầng lớp địa chủ chiếm khoảng 2% dân số nhưng cùng với địa chủ ngoài xã chiếm đoạt hầu hết diện tích ruộng tốt. Số ruộng đất xấu còn lại chủ yếu là ruộng công điền, ruộng hương hỏa, ruộng đình chùa chia cho các suất đinh từ 18 đến 60 tuổi để hàng năm cày cấy. Một số người cấy lúa năng suất thấp, có vụ mất mùa đem ruộng cầm cố lấy tiền nộp tô, nộp thuế. Có người bần cùng phải đem bán ruộng, đất cho địa chủ, phú nông.

    Nông dân Gia Thịnh chiếm trên 90% dân số, nhưng nhiều người không có ruộng hoặc có rất ít ruộng, ruộng đã ít lại xấu, nạn hạn hán, lũ lụt lại thường xảy ra làm cho năng suất lúa hàng năm thu hoạch thấp kém, một số đi cấy thuê, cấy rẽ chịu cảnh tô, tức, thuế khóa nặng nề. Ngoài ra, lại phải chịu tệ nạn lo lót, biếu xén cho chủ ruộng hoặc những người bầu chủ. Một số người khi thu hoạch, bán lúa không đủ tiền nộp tô phải cầm cố hết ruộng đất, nhà cửa lâm vào cảnh túng đói, cùng quẫn. Một số gia đình phải bỏ nhà đi làm thuê ở các đồn điền của thực dân Pháp, hoặc cày thuê, cuốc mướn. Tình cảnh đó dẫn đến mâu thuẫn giữa nông dân và đế quốc phong kiến cùng bè lũ tay sai gian ác ngày càng sâu sắc. Một số người có học vấn trong xã hội đòi lối sống phương Tây, làm tay sai cho bọn thực dân Pháp đô hộ và địa chủ phong kiến, bóc lột đàn áp nông dân.

    Một số người có tinh thân yêu nước, có học vấn, dạy học kiếm sống và giúp đỡ người nghèo như đồ Ty, đồ Dục. Các ông lấy dạy chữ, dạy đức làm chính, thu nhập thấp bị chèn ép, cũng sống trong cảnh tủi nhục của người dân nô lệ, cũng bị khinh miệt. Do có trình độ, quan hệ xã hội rộng, họ sớm giác ngộ tư tưởng yêu nước, sớm theo con đường cách mạng; là lớp người đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc sớm tiếp thu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lenin, đường lối cách mạng vào địa phương.

    Nhân dân Gia Thịnh sống dưới ách thống trị tàn bạo của bọn đế quốc và phong kiến tay sai, đời sống nhân dân khổ cực nhưng dân dân có tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm. Càng bị áp bức, tinh thần yêu nước, lòng căm thù bọn đế quốc xâm lược và quan lại phong kiến; quyết đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng nhà nước dân chủ, nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

 

 Theo lịch sử Đảng bộ xã Gia Thịnh (1947- 2017)

 

 

 

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập